An toàn lao động cho công nhân xây dựng là việc làm quan trọng, cần thiết phải chú trọng. Bởi đặc thù của ngành nghề này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như mức độ nguy hiểm cao.
Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể gây ảnh hưởng đến an toàn của người lao động.
Chính vì vậy các nhà thầu cần trang bị đầy đủ những thiết bị an toàn cũng như thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thi công, đảm bảo người lao động nắm vững chuyên môn và có những trang bị đầy đủ khi tham gia xây dựng.
Thực trạng về an toàn thi công
Hiện nay tình trạng tai nạn lao động trên các công trường vẫn là con số đáng quan tâm. Theo thông kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì tính đến năm 2015 cả nước có tới 7.620 vụ tai nạn lao động.
Trong đó số người chết là 666 người, số người bị thương lên đến 7.785 người. Tổng thiệt hại là 153,97 tỷ đồng. Tuy nhiên ngành xây dựng là ngành có tỷ lệ số vụ tai nạn chết người cao nhất, lên đến 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người, chiếm tới 37,9% tổng số người chết.
Trước tình hình này, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào gây mất an toàn trong công trường xây dựng?
Nguyên nhân mất an toàn
Để đảm bảo tốt công tác an toàn lao động cho công nhân xây dựng thì trước hết cần tìm ra nguyên nhân gây mất an toàn.
Theo đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do một số chủ thầu không có hồ sơ tính toán về đảm bảo an toàn.
Không đảm bảo công tác tập huấn cho công nhân theo chuyên đề xây dựng với từng hạng mục công trình.
Nhiều người lao động thiếu trình độ chuyên môn về an toàn bởi hiện nay rất nhiều người từ ngoại tỉnh du nhập lên thành phố để kiếm sống.
Và nhiều chủ thầu đã tận dụng cơ hội này để thuê mớn nhân công giá rẻ.
Công tác thực thi hợp đồng lao động, bảo hiểm lao động lỏng lẻo.
Quá trình quản lý, tập huấn về an toàn lao động cho người lao động chưa được quan tâm, không tuân thủ đúng quy định. Các thiết bị an toàn xây dựng cũng chưa được giám sát nghiêm ngặt.
Hầu hết các sự cố tai nạn lao động xảy ra đều rất ít khởi tố điều tra mà chỉ đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần cho gia đình nạn nhân. Do đó các chủ đầu tư, nhà thầu chưa bị xử lý nghiêm ngặt nên vẫn lơ là trong công tác bảo hộ lao động.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân xây dựng?
Bất cứ vụ tai nạn nào xảy ra đều gây thiệt hại về người và của. Do đó để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân xây dựng cần có những giải pháp nhất định dành cho nhà thầu, đơn vị giám sát và công nhân lao động.
Đối với nhà thầu
- Lên kế hoạch xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn cho từng hạng mục công trình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Cung cấp cho người lao động đầy đủ các thiết bị, phương tiện bảo hộ lao động.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ và công tác bảo hiểm lao động cho công nhân.
- Các thiết bị, phương tiện cần được kiểm định nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Những người vận hành máy móc, thiết bị phải có đầy đủ chuyên môn và hiểu rõ về kỹ năng an toàn lao động.
Đối với đơn vị giám sát
- Tổ chức theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện biện pháp thi công, bảo đảm an toàn của nhà thầu thi công xây dựng.
- Đối với bất cứ vụ tai nạn nào đều cần đưa ra phương án xử lý, khắc phục và phòng ngừa sự cố.
Đối với người lao động
- Mỗi người công nhân lao động cần trang bị những kiến thức về an toàn. Đồng thời thường xuyên học tập, tìm hiểu những kiến thức mới về an toàn lao động.
- Bên cạnh đó cần chú ý nâng cao tay nghề làm việc, đảm bảo tác phong làm việc chuyên nghiệp.
An toàn lao động cho công nhân xây dựng cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa. Đây là công tác không chỉ riêng nhà thầu, đơn vị giám sát mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.